Phát triển Học viện trở thành một tổ chức giáo dục – đào tạo, nghiên cứu theo mô hình của các trường đại học hiện đại trên thế giới với hệ thống tổ chức, quản lý hiệu quả cao trên cơ sở chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo
Mã trường: BVH - Học Viện Công Nghệ Bưu Chính Viễn Thông ( Phía Bắc ) PTIT - Tên tiếng Anh: Posts and Telecommunications Institute of Technology
Thành lập năm: 1953, Địa chỉ: 122 Hoàng Quốc Việt, Q.Cầu Giấy, Hà Nội
TẦM NHÌN – SỨ MẠNG
Tầm nhìn: Đến năm 2030, Học viện trở thành tổ chức giáo dục – đào tạo, nghiên cứu có tính cạnh tranh, hội nhập quốc tế cao và nằm trong nhóm 20 trường đại học đứng đầu về chất lượng giáo dục – đào tạo và năng suất nghiên cứu khoa học của Việt Nam.
Sứ mạng: Sứ mạng của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là sáng tạo và chuyển giao tri thức cho xã hội thông qua việc gắn kết các hoạt động giáo dục – đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ, tri thức mới trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đáp ứng thực tiễn phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.
MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC
1. Mục tiêu chung
Phát triển Học viện trở thành một tổ chức giáo dục – đào tạo, nghiên cứu theo mô hình của các trường đại học hiện đại trên thế giới với hệ thống tổ chức, quản lý hiệu quả cao trên cơ sở chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học của Học viện, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, và xã hội; thu hút được người có năng lực, trình độ vào học tập, nghiên cứu, làm việc tại Học viện và bảo đảm các đối tượng chính sách có cơ hội học tập tại Học viện.
2. Mục tiêu cụ thể (đến năm 2030)
– Về tổ chức, bộ máy: có tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả và phù hợp với các quy định; có các cơ sở nghiên cứu và đào tạo đặt tại các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước; có doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả; có quy mô nguồn nhân lực cơ hữu đảm bảo theo quy định với cơ cấu 70% số cán bộ cơ hữu là giảng viên, cán bộ nghiên cứu, trong đó có trên 35% số giảng viên, cán bộ nghiên cứu có trình độ tiến sĩ.
– Về đào tạo và bồi dưỡng: có đầy đủ các cấp đào tạo, loại hình, phương thức đào tạo để đáp ứng nhu cầu người học; có các ngành đào tạo đại học chính quy tuyển sinh hiệu quả đáp ứng nhu cầu xã hội trong các lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật, Báo chí và Truyền thông, Kinh doanh và quản lý; có quy mô sinh viên chính quy, học viên sau đại học, học sinh, sinh viên, học viên các hệ chất lượng cao, chương trình tiên tiến, chương trình liên kết quốc tế và học viên, sinh viên quốc tế học tại Học viện phù hợp với nguồn lực của nhà trường; có thương hiệu và uy tín với xã hội về tổ chức đào tạo kỹ năng, bồi dưỡng.
– Về nghiên cứu, hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ: có các phòng LaB trọng điểm về ICT, hàng năm có các công bố bài báo quốc tế (ISI/Scopus); có quan hệ hợp tác sâu rộng với các trường đại học của các nước, hoạt động trao đổi giảng viên, chuyên gia và học viên, sinh viên được duy trì thường xuyên và tăng trưởng qua các năm; hoạt động liên kết đào tạo đa dạng với nhiều loại hình , cấp bậc đào tạo và được người học, xã hội đánh giá cao; doanh thu từ chuyển giao khoa học công nghệ, khởi nghiệp (startup) liên quan về lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo của Học viện tăng ổn định qua các năm.
– Về cơ sở vật chất và tài chính: có cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ,đạt chuẩn quốc gia và khu vực; có mức học phí phù hợp với nhu cầu xã hội, thu nhập của cán bộ, viên chức và người lao động trong Học viện đảm bảo đời sống và tương xứng với công sức của mỗi cán bộ; đảm bảo tự chủ về tài chính và từng bước có tích lũy với cơ cấu nguồn thu từ đào tạo chính quy: 50%, nghiên cứu và dịch vụ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ: 25%, đào tạo chất lượng cao và liên kết quốc tế: 10%, các dịch vụ khác: 15%.