Địa Chỉ : TX Hồng Ngự, Đồng Tháp
Điện Thoại : 0277 3837318
Email: thpt.hongngu1.dongthap@moet.edu.vn
Website : http://hongngu1.edu.vn/
Năm 1966 trường trung học công lập Hồng Ngự được thành lập. Năm học đầu tiên 1966 – 1967 thi tuyển lấy vào 2 lớp đệ thất (lớp 6) học chung khu vực với trường tiểu học. Đến năm 1971 đã có học sinh đến lớp đệ tam (lớp 10) học tại trường mới xây dựng xong tại điểm nay là trường Chu Văn An, kế đình thần An Bình.
TRUỚC NĂM 1975: Cho đến 1962, Huyện Hồng Ngự (lúc bấy giờ là Quận Hồng Ngự thuộc tỉnh Kiến Phong) không có trường trung học. Học sinh sau khi học xong tiểu học muốn tiếp tục học trung học phải đi nơi khác để học, thường là tiếp tục học tại Cao Lãnh hoặc qua Long Xuyên, Tân Châu, Chợ Mới,...Đến năm 1963 mới có trường trung học bán công tại Hồng Ngự (địa điểm nay là trường tiểu học phường An Thạnh). Đến năm 1966 trường trung học công lập Hồng Ngự được thành lập. Năm học đầu tiên 1966 – 1967 thi tuyển lấy vào 2 lớp đệ thất (lớp 6) học chung khu vực với trường tiểu học. Đến năm 1971 đã có học sinh đến lớp đệ tam (lớp 10) học tại trường mới xây dựng xong tại điểm nay là trường Chu Văn An, kế đình thần An Bình.
TỪ NĂM 1975 ĐẾN NAY: Tháng 8 năm 1975, trường trung học bán công và trường trung học công lập Hồng Ngự giải thể. Trường cấp 3 Hồng Ngự được thành lập nhận học sinh cấp 3 của 2 trường đã giải thể kể trên vào học. Năm học đầu tiên 1975 – 1976, trường có tổng số lớp là 9 (3 lớp 10, 3 lớp 11 và 3 lớp 12) với tổng số học sinh 346, tổng số giáo viên là 16. Ban đầu trưởng ban điều hành là cô Dương Thị Kim Dung, sau đó hiệu trưởng là thầy Đoàn Như Thiết từ tỉnh Vĩnh Phú chuyển vào. Tháng 1 năm 1978 quân của Pônpốt và Y-ên-xari từ Campuchia pháo kích vào thị trấn Hồng Ngự, trường phải sơ tán qua dạy và học tại chùa Ông Kiềm (Ấp Long Hậu, xã Long Khánh). Lúc này hiệu trưởng là thầy Nguyễn Phi Hùng. Đến tháng 2 năm 1980 trường trở về thị trấn Hồng Ngự. Do địa bàn của huyện Hồng Ngự có diện tích rộng: 642,1 km2 và dân số đông 202.670 người (thống kê năm 1989), nhiều cù lao chia cắt nhau bởi sông rạch, nhiều xã vùng sâu đi lại khó khăn, mỗi năm có mùa nước nổi từ tháng 6 đến tháng 9 nên trường cấp 3 Hồng Ngự phải mở 3 phân hiệu cử giáo viên đến dạy tại những vùng xa:
Phân hiệu tại Phú Thuận A:
Phân hiệu tại Thường Thới Tiền
Phân hiệu tại Tân Công Chí
Qua 30 năm thành lập (1975 – 2010) trường THPT Hồng Ngự 1 đã nhiều lần đổi điểm trường:
Giai đoạn đầu trong những năm 1975 – 1980, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn chỉ có 12 phòng học bán kiên cố sử dụng chung với trường cấp 2 Hồng Ngự. Giáo viên giảng dạy phần lớn đến từ ngoài huyện, ngoài tỉnh ở nhà dân. Năm 1978 khi quân của Pônpốt và Y-ên-xari từ biên giới Camphuchia pháo kích vào thị trấn Hồng Ngự (học sinh Phạm Xuân Cảnh lớp 12C tử nạn trong đợt pháo kích đầu tiên). Tháng 1 năm 1978, trưởng ty giáo dục Nguyễn Trọng Đàm đến trường động viên thầy cố giáo bám trường, bám lớp và cho sơ tán trường qua địa điểm Chùa Ông Kiềm tại ấp Long Hậu, xã Long khánh (Đến năm 1980 địa điểm trường trở về thị trấn). Đây là giai đoạn khó khăn nhất của nhà trường, thầy và trò cùng sống trong chùa, tự nấu ăn hoặc tổ chức bếp tập thể, tự cải thiện buổi ăn bằng cách hái rau hoang ở các bờ rẫy hoặc xuống sông bắt cá, mò hến. Mỗi năm đến mùa nước nổi (khảng từ tháng 6 đến 9), chung quanh chùa nước ngập, học sinh đến lớp học bằng xuồng hoặc đến các nhà dân chung quanh. Các thầy cô ngoài những người ở địa phương (Thầy Nguyễn Phi Hùng (HT), thầy Nguyễn Văn Y (HP), Thầy Lê Hồng Quang, thầy Nguyễn Văn Hiệp, thầy Nguyễn Văn Thinh,…) cùng với các thầy cô giáo ngoài tỉnh đến trường: Nguyễn Thị Tiền, Lê Kim Khuyến, Nguyễn Văn Khuyến, Nguyễn Hữu Thiện, Hồ Ngọc Hà, Trần Thị Thu, Vũ Thị Thái, Từ Thị Ngọc Điệp, Trần Văn Như, Nguyễn Tấn Bửu, Phạm Xuân Trường, Phù Khí Toàn, Nguyễn Thị Kim Hoa, Nguyễn Thị Thành Thùy, Phan Hào, Phạm Tiến Hùng, Ngô Thế Huân, Trần Văn Thông, Võ Văn Gặp, Phạm Thành Thông , Trần Ngọc Trình, Hồ Văn Dõng, … gắn bó nhau trong tập thể thế hệ giáo viên đầu tiên của trường.
Giai đoàn này cũng là giai đoàn đầu sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, huyện Hồng Ngự có những công trình khôi phục và xây dựng kinh tế. Thầy và trò đã tham gia nhiều công trình thủy lợi, đặc biệt là đào kênh Thới Thường (1977), đào kênh Long An và trạm bơm An Bình (1980). Ngày nay những con kênh này là nguồn nước quan trọng cho việc phát triển nền kinh tế Hồng Ngự.
Giai đoạn 1981 – 1989: tình hình biên giới Tây Nam được vãn hồi. Trường trở lại thị trấn, các đời hiệu trưởng như thầy Nguyễn Phi Hùng, thầy Nguyễn Văn Y (1986) và thầy Nguyễn Văn Út nối tiếp xây dựng cở sở vật chất cho nhà trường từng bước tốt hơn. Nhưng khó khăn vẫn còn nhiều do số học sinh tăng nhanh. Năm học 1984 – 1985, tổng số học sinh là 720 với số lớp là 18 (gấp đôi năm học 1975 – 1976), nhà trường phải xây dựng 5 phòng học bằng tre lá mới đủ phòng học và xây dựng dãy nhà tập thể (1983) cho giáo viên. Do địa bàn Hồng Ngự quá rộng, dân số quá đông, đến mùa nước nổi chung quanh thị trấn Hồng Ngự đều bị ngập lụt nên để tạo điều kiện học tập cho các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa nhà trường mở 3 phân hiệu lần lượt tại Phú Thuận A, Thường Thới Tiền và tân Công Chí. Nhiều thầy cô vừa phải dạy ở điểm chính vừa phải đến dạy ở các điểm này hang tuần rất vất vã. Tình hình thiếu giáo viên rất trầm trọng nên năm 1986, ông Nguyễn Văn Y lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch Huyện phải lên TP.HCM hợp đồng trên 10 giáo viên biệt phái dạy trong 2 năm.
Giai đoạn 1990 – 1999: trường dời điểm về Quốc Lộ 30, ấp An Thạnh A2, thị trấn Hồng Ngự, lúc này chỉ có 1 dãy phòng học kiên cố với 5 phòng trệt và 5 phòng lầu. Trường có 900 học sinh với 20 lớp. Thầy hiệu trưởng là Nguyễn Văn Út và kế tiếp là Thầy Nguyễn Văn Y tiếp tục phát triển thêm 2 dãy phòng trệt bán kiên cố, cơ sở vật chất tốt hơn nhưng chỉ đủ cho nhu cầu số lớp học từng năm. Các điều kiện cơ sở khác (phòng thiết bị, phòng thực hành, phòng thư viên, phòng vi tính,..) không có. Năm 1993, sát nhập trường cấp 2 và cấp 3, số học sinh là 2111 học sinh.
Giai đoạn 2000 – 2010: tách cấp 2 và cấp 3, địa điểm dời về Quốc lộ 30, ấp An Thạnh B, xã An Bình A, huyện Hồng Ngự (hiện nay là phường An Lộc, thị xã Hồng Ngự). Thầy Nguyễn Văn Y đã dành nhiều tâm Huyết trong suốt 10 năm phát triển cơ sở vật chất nhà trường tạo môi trường giáo dục cho việc nâng cao chất lượng giáo dục. Năm 2009 trường được Sở Giáo dục công nhận trường “Xanh Sạch Đẹp”.
Thông tin sẽ được cập nhật thêm.