Địa Chỉ : Phố Đức Tâm 2 - TT Văn Quan - H Văn Quan - T Lạng Sơn
Điện thoại : 025 3830052
Email: thpt.luongvantri.ls@gmail.com
Website : http://thptluongvantri.vn/
Được thành lập năm 1973. Trường vinh dự được mang tên đồng chí Lương Văn Tri - người chiến sĩ cộng sản, kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của các dân tộc huyện Văn Quan. Tiền thân của trường là một phân trường sơ tán của Trường cấp III Văn Quan, đóng tại địa bàn Lùng Hang, xã Đại An, huyện Văn Quan trong những ngày tháng Đế quốc Mỹ bắn phá miền Bắc nước ta. Từ ngày thành lập đến nay, do chiến tranh, phải di chuyển qua 5 địa điểm khác nhau. Mỗi lần di chuyển địa điểm, là một lần thầy và trò phải vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để hoàn sứ mệnh của mà Đảng và nhân dân giao phó.
Tháng 9/1972, tại địa điểm Lùng Hang, xã Đại An, lớp học bằng tranh tre, nứa lá được thày và trò dựng tạm dưới chân núi đá vắng vẻ, hoang sơ. Năm học đó chỉ có 6 lớp với trên 200 học sinh, giáo viên vừa dạy ở trường chính, vừa dạy ở phân trường này. Kết thúc học kỳ 1, Hiệp định Pa-ri được ký kết, Đế quốc Mỹ chấm dứt bắn phá miền Bắc, để thuận tiện hơn cho việc đi lại thầy và trò, trường di chuyển ra sát địa điểm trường hiện nay, cách địa điểm cũ khoảng 1km.
Tháng 9/1973 đến 7/1979, trường tiếp tục được di chuyển đến Nà Mò, xã Xuân Mai, gần quốc lộ 1B (địa điểm Kho bạc hiện nay) và ổn định trong 6 năm học từ 1973 đến 1979. Trường lớp là nhà tranh, vách nứa rất đơn sơ, bàn ghế được làm bằng tre mai do thầy và trò tự tay tạo dựng. Ngày 15/10/1973, Trường chính thức được UBND tỉnh quyết định thành lập, quy mô năm học đầu tiên gồm 5 lớp với 203 học sinh, 10 giáo viên và 01 nhân viên, Trong đó, một số thầy cô phải dạy cả 2 trường (cấp III văn Quan và Lương Văn Tri), nhiều thầy cô quê miền xuôi tình nguyện lên công tác ở miền núi như thầy Lê Bá Cử (Hiệu trưởng), quê ở Quảng Nam, Thầy Lê Công Tôn, Vũ Hiền quê Bắc Ninh, thầy Lê Trong Mịn, thầy Nguyễn Hữu Điều quê ở Nghệ An.... Trong điều kiện dạy và học vô cùng khó khăn, thiếu thốn của những ngày đầu mới thành lập, thầy và trò nhà trường vẫn hăng hái thi đua dạy tốt, học tốt. Kết quả năm học đầu tiên thật đáng khích lệ, tỉ lệ tốt nghiệp đạt trên 80%, có nhiều học sinh trúng tuyển vào các trường đại học. Từ năm 1974 trở đi, quy mô trường lớp, học sinh không ngừng được tăng lên. Đến năm học 1978 -1979 trường đã tăng lên 15 lớp học với hơn 700 học sinh và trên 30 cán bộ, giáo viên.
Tháng 8/1979 đến 7/1980, trường phải sơ tán lên Lùng Giảo, xã Bình Phúc cách trường cũ 10km. Nơi đây là rừng núi rậm rạp, heo hút, hai bên sười núi dốc hẹp, nhưng gần đó có nhiều hang đá thuận tiện cho việc tránh đạn bom. Những ngày đầu, chưa dựng được trường lớp, thày và trò phải ở nhờ và học tại nhà dân. Với quyết tâm cao, chỉ trong thời gian ngắn, những lớp học mái lá tranh tre đã được dựng lên. Trong điều kiện sơ tán vào rừng núi, học sinh nhà xa trường, đi lại khó khăn, nhiều em đã tự làm lều trọ học bằng lá cây rừng tạm bợ bên khe núi, sườn dốc, xung quanh lớp học. Việc dạy và học hết sức gian nan, nguy cơ học sinh bỏ học rất lớn, nhưng do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và sự tận tâm của thầy cô nên trường lớp vẫn được duy trì, ổn định với 15 lớp học và trên 700 học sinh cùng hơn 30 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Tháng 8/1980 đến 6/1983, trường tiếp tục di chuyển về địa điểm mới thuộc thôn Bản Coóng, xã Xuân Mai. Để kịp cho lễ khai giảng năm học mới, thầy và trò phải lao động ngày đêm dựng trường, dựng lớp. Công việc được phân công chi tiết đến từng lớp, từng thầy cô, khí thế lao động hết sức khẩn trương nên chỉ trong thời gian ngắn, dưới những tán cây hồi 16 phòng học đã mọc lên. Những ngày đầu chưa có chỗ ở, có phòng học, ban ngày là lớp học, ban đêm là nơi ở của thầy cô. Nơi đây, trường ổn định dạy và học trong 3 năm, lúc đó thầy Đỗ Tạ là Hiệu trưởng. Khó khăn là vậy, nhưng phong trào thi đua dạy tốt, học tốt vẫn diễn ra sôi nổi, chất lượng giáo dục vẫn giữ ổn định và tỉ lệ tốt nghiệp tăng theo từng năm.
Tuy nhiên, địa thế nơi đây không phù hợp với việc xây dựng trường lớp lâu dài vì khu đất hẹp, độ dốc lớn, xa trung tâm thị trấn nên việc di chuyển địa điểm đã nằm trong dự định của nhà trường.
Tháng 7/1983 đến 2003, được UBND tỉnh quyết định cấp đất, trường chuyển từ Bản Coóng về địa điểm hiện nay thuộc phố Đức Tâm 2, Thị trấn Văn Quan. Đây là lần thứ năm, cũng là lần cuối cùng trường chuyển địa điểm. Trước đây, nơi này vốn là ruộng nương của dân và bãi tha ma có nhiều mồ mả. Sau một thời gian xây dựng, cải tạo, một ngồi trường mới đã được dựng lên. Đến năm 1984, trường được đã đầu tư xây dựng 15 phòng học nhà cấp 4. Những năm cuối của thập kỉ 80, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, quy mô trường lớp biến động lớn, có thời điểm giảm xuống chỉ còn 6 lớp, với hơn 200 học sinh; có lúc tăng lên 29 lớp, với hơn 1400 học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên dao động trong khoảng 25 đến 50 người.
Năm 1988, trường được đầu tư xây dựng 1 nhà hai tầng gồm 10 phòng học kiên cố. Hiện nay, diện tích đất của trường là 16.134m2 và được UBND huyện giao thêm sườn núi đá sau trường gần 1ha để xây dựng rừng sinh thái phục vụ cho giảng dạy, học tập và nghiên cứu.
Từ năm 2003 đến nay, Trường được xây thêm 01 dãy nhà 2 tầng và 01 dãy nhà 3 tầng; cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư cơ bản đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Quy mô trường ổn định trên 30 lớp với hơn 1200 học sinh. Tuy nhiên, có thời điểm tăng cao, với 36 lớp và trên 1800 học sinh trong năm học 2005 - 2006. Do đó dẫn tới việc thiếu giáo viên ở hầu hết các bộ môn và đa phần đều phải dạy vượt số giờ quy định. Trong 5 năm trở lại đây, đội ngũ cán bộ, giáo viên được bổ sung cơ bản đủ về số lượng, đạt chuẩn đào tạo, cơ cấu hợp lý, trình độ năng lực từng bước được nâng lên.
Kể từ ngày thành lập và trong những năm tiếp theo của thập kỉ 70, 80, do phải di chuyển địa điểm nhiều lần nên thầy và trò gặp muôn vàn khó khăn, thử thách. Mỗi lần chuyển trường là một lần thầy trò tự tạo dựng nên một ngôi trường mới bằng chính công sức của mình. Trong những năm này, Ban Giám hiệu cùng tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên đã ngày đêm tận tụy bám trường, bám lớp hết lòng vì học sinh, vừa không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thầy và trò, vừa tích cực góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Có thể nói, đây là thời kỳ gian khổ nhất, song cũng là thời kỳ đẹp đẽ nhất, ghi dấu nhiều kỷ niệm sâu sắc trong lòng các thế hệ giáo viên và học sinh. Nhớ những ngày chỉ 1 bơ gạo nấu với bí đỏ 4 người cùng ăn sống qua ngày, nhưng những người thầy vẫn yêu nghề, tận tụy với học trò. Học sinh đi học xa nhà, khó khăn gian khổ, hiểm nguy nhưng vẫn không từ bỏ khát vọng “học lấy cái chữ”, học để làm người. Cả thầy và trò luôn quyết tâm trước khó khăn không lùi bước, trong gian khổ vẫn lạc quan, ở bất cứ hoàn cảnh nào vẫn thi đua dạy tốt, học tốt.
Trong suốt gần nửa thế kỷ xây dựng, phát triển và trưởng thành, trường luôn bám sát chủ trương giáo dục của Đảng, sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền huyện địa phương và sự chỉ đạo sát sao của ngành, luôn vượt khó vươn lên khẳng định vị trí của mình, thực hiện vai trò, sứ mệnh giáo dục con em đồng bào các dân tộc huyện nhà. Trường đã đạt được nhiều thành tích trên các mặt công tác, đào tạo hàng nghìn học sinh có trình độ trung học phổ thông, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.
Trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt, nhiều học sinh đã tạm gác việc học xung phong lên đường ra trận, có người đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường máu lửa như Liệt sĩ Tiêu Công Lệ, Mông Văn Hạnh. Nhiều học sinh thuộc lớp tiền thân của nhà trường (tốt nghiệp năm 1973) đã và đang giữ những cương vị, trọng trách khác nhau, tiêu biểu như anh Chu Tuấn Hạ du học tại Rumani, hiện là Viện trưởng Viện nghiên cứu, thiết kế trường học thuộc Bộ GDĐT; anh Nguyễn Công Đò, du học tại Liên Xô, hiện là Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn...
Từ mái trường này, lớp học học sinh đã trưởng thành, nhiều người là cán bộ lãnh đạo các cấp của Đảng và Nhà nước, là giáo sư, tiến sỹ, tướng lĩnh trong quân đội. Tiêu biểu như các anh Hoàng Văn Mậu giáo sư, tiến sĩ giảng dạy tại trường đại học Tổng hợp hà Nội trước đây, Nguyễn Đức Minh, giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Hoàng Quang hiện là Phó chủ tịch Hội nông dân tỉnh Lạng Sơn; Hà Thị Ngặm, nguyên Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và phát triển Lạng Sơn; Cam Thị Phay, nguyên Hiệu trưởng, Vi Thị Liên nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Văn Tri; Hoàng Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắc Nông, Triệu Văn Lượng Giám đốc Công ty Đăng kiểm Lạng Sơn, Linh Mạnh Tôn Giám đốc ngân hàng Phát triển Lạng Sơn. Nhiều người giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt hoặc trưởng, phó các ngành của huyện như: đồng chí Đàm Văn Trường Bí thư huyện ủy Văn Quan, đồng chí Lương Đình Hoài phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Văn Quan, đồng chí Vy Thế Hồng Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Lương Đình Bảo Phó Chủ tịch UBND huyện, Bác sĩ Sầm Văn Quang Giám đốc Trung tâm Y tế Văn Quan...
Chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển đầy gian lao thử thách nhưng tập thể sư phạm nhà trường luôn đoàn kết thống nhất trong ý chí và hành động. Các thế hệ cán bộ, giáo viên luôn nêu những tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách, trí tuệ và sự tận tâm với học trò. Nhiều thầy cô đã gắn bó cả cuộc đời nhà giáo của mình với mái trường này như cô Đỗ Bích Đặng, Triệu Thị Điện, thầy Hứa Xuân Ôn, Hoàng Văn Vá... nhiều thầy cô từng giảng dạy rồi chuyển công tác đến đơn vị khác trở thành giáo viên khá giỏi, nhà quản lý giáo dục có uy tín như thầy Chu Thăng, nguyên Trưởng phòng và thầy Hà Long Vần nguyên phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Gia; thầy Nguyễn Văn Ba, nguyên phó Hiệu trưởng Trường THPT DT nội trú tỉnh, hiện là Chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn. Hình ảnh các thế hệ lãnh đạo nhà trường như thầy Lê Bá Cử, thầy Đỗ Tạ, Vy Thanh Hiền, cô Cam Thị Phay, Phùng Bích Khuyên, Vy Thị Liên cùng các thầy cô như Nguyễn Mai Thanh, Hà Thị Nhiệm, Lý Sơn Lâm... mãi mãi là những cánh chim đầu đàn, tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ giáo viên, học sinh noi theo. Các thế hệ thầy trò ngày hôm nay mãi tự hào và biết ơn các thế hệ đi trước đã dành bao tâm sức, trí tuệ vun đắp cho Trường THPT Lương Văn Tri được như ngày hôm nay.
Cùng với sự nghiệp đổi mới của đất nước, trường THPT Lương Văn Tri cũng đang đổi mới toàn diện, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các mặt công tác, vị thế của nhà trường ngày càng được khẳng định, tạo được niềm tin tưởng của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương. Năm học đầu tiên trường chỉ có 6 lớp với 203 học sinh đến nay quy mô trường lớp đã được mở rộng, năm học 2013 - 2014, trường có 32 lớp với 1224 học sinh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên đều đạt chuẩn đào tạo, trong đó có 6 Thạc sĩ và 2 giáo viên đang đào tạo Cao học. Tập thể sư phạm nhà trường luôn đoàn kết, tâm huyết với nghề, tích cực đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Cơ sở vật chất được đầu tư khang trang với những trang thiết bị, đồ dùng cơ bản đáp ứng được yêu cầu dạy và học, cảnh quan sư phạm ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Trong 5 năm trở lại đây, nhà trường có những chuyển biến mạnh về chất lượng giáo dục. Tỉ lệ học sinh giỏi, học sinh đạt giải cấp tỉnh tăng theo từng năm, tỉ lệ học sinh yếu kém giảm rõ rệt, tỉ lệ tốt nghiệp giữ ổn định trên 95%, số học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học tăng đáng kể, trong đó nhiều học sinh đỗ điểm cao vào các trường đại học hàng đầu của cả nước. Đặc biệt năm học 2012-2013 có học sinh giành giải nhất cấp tỉnh, giải nhì toàn quốc cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng”, đoạt huy chương vàng quốc tế triển lãm dành cho các nhà sáng tạo trẻ (IEYI – 2013) đem lại vinh quang lớn cho trường cũng như cho huyện và tỉnh nhà. Các phong trào thi đua được đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả, các cuộc thi đều giành được giải thưởng cao như giải nhất “Hội thi Tìm hiểu an toàn giao giao thông”, cuộc thi “Sáng kiến truyền thông trong thay đổi hành vi phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm”, giành nhiều giải cao cuộc thi viết về “Gương người tốt, việc tốt”. Các hoạt động văn nghệ, thể thao, giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, hoạt động nhân đạo từ thiện, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, nhà trường là đơn vị đầu tiên đưa hát Then vào truyền dạy cho học sinh trong hoạt động ngoại khóa, đạt được những kết quả tích cực.
Từ năm học 2007 - 2008 đến 2009 - 2010, trường được Sở GDĐT công nhận danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến. Năm học 2010 – 2011 đến 2012-2013, được công nhận danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc. Chi bộ Đảng luôn được công nhận tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh. Các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Chữ thập đỏ đều được công nhận tổ chức cơ sở vững mạnh. Nhiều năm liên tục trường được công nhận Cơ quan văn hóa, Cơ quan an toàn.
Với những thành tích đã đạt được, trong 5 năm qua, trường đã vinh dự được đón nhận những phần thưởng cao quý gồm 9 Bằng khen của Bộ GDĐT, UBND tỉnh, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng nhiều Giấy khen của các cấp Đảng, đoàn thể. Nhiều cán bộ, giáo viên được các cấp Bộ, Ngành, Đảng, Chính quyền và đoàn thể tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen.
Phát huy truyền thống 40 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, đồng thời để xứng đáng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự tin yêu của nhân dân, toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường nguyện tiếp tục đoàn kết, phấn đấu thi đua “Dạy tốt, học tốt” đưa nhà trường phát triển đi lên vững chắc. Mục tiêu trước mắt là phấn đấu đạt chuẩn quốc gia năm 2015, với nhiệm vụ là tạo dựng môi trường học tập thân thiện, nền nếp, kỉ cương, chất lượng; với phương châm hành động là: Đoàn kết - vượt khó - đổi mới - phát triển.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập, thầy và trò nhà trường xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các thế hệ thầy giáo, cô giáo và nhân dân các dân tộc huyện Văn Quan; các tổ chức và cá nhân đã quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ nhà trường trong gần nửa thế kỷ qua.
40 năm - một chặng đường biết bao gian nan, thử thách nhưng cũng rất đỗi vinh quang và tự hào đối với các thế hệ thầy, trò Trường THPT Lương Văn Tri. Đó cũng là chính là niềm tin và sức mạnh giúp cho các thế hệ hôm nay và mai sau viết tiếp những trang sử vàng truyền thống.
Thông tin sẽ được cập nhật thêm .