Địa Chỉ : Văn Quán - Đỗ Động - Thanh Oai
(GDTĐ) - Nằm ở huyện ngoại thành còn nhiều khó khăn, chất lượng học sinh đầu vào chưa cao thế nhưng trường THPT Thanh Oai A đã tạo dựng được truyền thống dạy tốt – học tốt với nhiều thành tích cao trong các kỳ thi GVDG, HSG cấp Thành phố. Một trong những yếu tố then chốt tạo nên thành công của trường chính là sự nghiêm túc, quyết liệt, sáng tạo trong công tác xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý.
Chất lượng đội ngũ là nền móng của thành công
Trường THPT Thanh Oai A có tổng số 84 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong đó có 75 giáo viên và cán bộ quản lý, 100% đạt chuẩn và trên chuẩn. Cụ thể, có 28 người có trình độ thạc sĩ và 2 người đang học thạc sĩ. Mặc dù chỉ là "trường làng" nhưng ngôi trường này đã sớm tạo dựng được đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tài năng, tâm huyết. Trường đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội do đã có thành tích trong nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Thủ đô giai đoạn 2011 – 2016.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Trường - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ luôn là nhiệm vụ hàng đầu của nhà trường. Ngoài việc cử cán bộ, giáo viên đi học các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ lên thạc sĩ, công tác bồi dưỡng thường xuyên luôn được chú trọng. Trường mời các chuyên gia của các trường đại học về giảng bài cho giáo viên, cụ thể như mời giảng viên hướng dẫn giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá, đáp ứng triển khai chương trình mới. Ngoài ra, với ý thức phát triển năng lực nghề nghiệp, giáo viên của trường còn tự học các lớp do các trường ĐH mở về đổi mới phương pháp giảng dạy, công tác chủ nhiệm…
Sôi nổi các hoạt động thể dục thể thao
Theo thầy Trường, công tác đào tạo bồi dưỡng thường xuyên được trường lập kế hoạch từ đầu năm, triển khai đến tất cả giáo viên. Cuối năm giáo viên báo cáo kết quả trong việc tự đào tạo bồi dưỡng. Đến nay khoảng 80% đáp ứng tốt cho việc thay sách giáo khoa, còn lại đáp ứng được thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới trong việc phát triển năng lực phẩm chất người học.
Để giáo viên có môi trường giảng dạy tốt, ứng dụng các phương pháp dạy học hiện đại hiệu quả với học sinh, trường còn quan tâm đến hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Hiện nay, trường có 26 phòng học chính khóa và 6 phòng học bộ môn đều được trang bị máy chiếu và được giáo viên sử dụng hiệu quả. Các phòng học bộ môn gồm: Vật Lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ được sử dụng thường xuyên và được sửa chữa đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Hệ thống thư viện trường nhiều năm liền được công nhận đạt chuẩn.
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo, giáo viên trường THPT Thanh Oai A đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, chú ý việc tổ chức dạy học phân hóa phù hợp các đối tượng học sinh khác nhau; đa dạng hóa các hình thức học tập, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh. Trường đã triển khai thí điểm chương trình giáo dục nhà trường gắn với sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tại địa phương, đồng thời tổ chức các câu lạc bộ bộ môn: Kỹ năng sống, Tiếng Anh, Văn nghệ, Võ thuật, TDTT thu hút đông đảo học sinh tham gia. Bên cạnh đó, THPT Thanh Oai A cũng giáo dục tích hợp STEM trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ở những môn học liên quan.
Đội ngũ giáo viên của trường THPT Thanh Oai A cũng tích cực ứng dụng CNTT trong giảng dạy. Hầu hết cán bộ giáo viên đều sử dụng trình chiếu minh họa trong các giờ dạy, yêu cầu học sinh chuẩn bị nội dung thuyết trình trong các giờ. Công tác quản lý điểm số, tài chính, cán bộ giáo viên đều sử dụng hệ thống CNTT. Năm học 2017- 2018 nhà trường được Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội giao nhiệm vụ trường làm cụm trưởng Cụm Chương Mỹ - Thanh Oai và đã được nhận Giấy khen của Giám đốc Sở với giải nhì gian trưng bày trong ngày hội CNTT cấp Thành phố lần thứ IV năm 2018.
Công tác đổi mới kiểm tra, đánh giá cũng được cán bộ, giáo viên trường THPT Thanh Oai thực hiện với nhiều sáng tạo. Giáo viên các bộ môn thông qua việc thiết kế bài giảng theo định hướng phát triển năng lực của học sinh, ngay trong từng tiết học đưa phương thức “chấm chéo” trong hoạt động học của học sinh nhằm giúp cho học sinh tự đánh giá năng lực của mình và nâng mức độ nhận thức của học sinh trong hoạt động học lên mức cao hơn.
Đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn
Nói đến công tác dạy và học của trường THPT Thanh Oai A không thể không nhắc tới hiệu quả hoạt động của các tổ nhóm chuyên môn. Các tổ nhóm tổ chức dạy và dự giờ theo các chuyên đề cụ thể như: Ý thức tham gia hoạt động học của học sinh trong giờ học, thái độ hợp tác của học sinh đối với hoạt động nhóm, vai trò của việc chuẩn bị bài ở nhà phục vụ cho các hoạt động học của học sinh, hệ thống câu hỏi phù hợp với các hoạt động của học sinh trong giờ học.... Từ đó, giúp mỗi giáo viên phát triển kỹ năng nghề nghiệp.
Các tổ chuyên môn cũng xây dựng kế hoạch của từng tổ và cá nhân giáo viên theo hướng phát triển năng lực học sinh, phân phối chương trình của từng cá nhân được tổ trưởng chuyên môn xác nhận và lãnh đạo nhà trường phê duyệt. Xây dựng kế hoạch thực hiện các chuyên đề của tổ, xây dựng các chủ đề dạy học của môn học, chủ đề dạy học liên môn; tiến hành tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học; thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Từ đầu năm học, sau khi các nhóm bộ môn đã được tập huấn về nhiệm vụ của bộ môn do Sở GD&ĐT tổ chức, trường THPT Thanh Oai A rà soát nội dung chương trình để thực hiện xây dựng chủ đề cho bộ môn, các chủ đề liên môn như: Toán-Lý, Toán –Địa, Văn-Sử -Địa, Lý-Công nghệ, Sinh-Công nghệ, Hóa-Sinh đối với các nội dung kiến thức trùng lặp, các nội dung kiến thức hỗ trợ nhau trong dạy học.
Trường cũng thường xuyên chỉ đạo các tổ nhóm tổ chức sinh hoạt chuyên môn qua nghiên cứu bài học, đổi mới hình thức, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; tổ chức và quản lí các hoạt động chuyên môn qua mạng cho mỗi chủ đề, tích cực tham gia các hoạt động chuyên môn trên trang "Trường học kết nối". Bên cạnh đó, từ khung phân phối chương trình và giảm tải của bộ môn, các nhóm chuyên môn căn cứ vào chất lượng của từng lớp lựa chọn nội dung đối với từng bài học phù hợp khả năng học tập của học sinh, các giáo viên căn cứ vào việc lựa chọn của nhóm triển khai thực hiện lựa chọn nội dung phù hợp với đối tượng học sinh thể hiện trong bài soạn và giảng dạy trên lớp.
Chia sẻ cụ thể hơn về hoạt động giáo dục của trường, Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Trường cho biết: "Trường có khuôn viên diện tích hạn hẹp nên việc tổ chức hoạt động giáo dục tương đối khó khăn. Thêm vào đó, do nằm trong địa bàn có lượng học sinh THCS ít vì vậy trường phải tuyển nguyện vọng 2 từ khắp các xã của huyện Thanh Oai, điểm đầu vào thấp, ý thức học sinh lớp 10 chưa cao. Đứng trước những hạn chế như vậy, từ khi đón học sinh vào lớp 10, trường THPT Thanh Oai A đã có định hướng giảng dạy nâng cao chất lượng học sinh yếu kém để có mặt bằng chung. Những năm học tiếp theo, trường có những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng học sinh mũi nhọn, đặc biệt với hai bộ môn Tiếng Anh và Hóa học bằng cách sắp xếp giáo viên dạy lại kiến thức cũ, cùng với đó dạy chương trình hiện tại cho học sinh. Có thể nói, chất lượng giáo dục của nhà trường có những khởi sắc là nhờ nhiều giải pháp, trong đó yếu tố then chốt chính là đội ngũ cán bộ, giáo viên đoàn kết, tài năng, sáng tạo, tâm huyết với nghề"
Thông tin sẽ được cập nhật thêm.